Hội Thấp khớp học Việt Nam với tên viết tắt là VRA (Vietnam Rheumatology Association) – là một tổ chức dành cho các thầy thuốc, cán bộ y tế, các nhà khoa học những người làm việc trong hoặc có quan tâm đến lĩnh vực Cơ Xương Khớp (Thấp khớp). VRA được thành lập theo quyết định Số 325-CT, do Thủ tướng Chính phủ Việt Nam ký, ngày 11 tháng 9 năm 1992, phát triển từ cơ quan tiền thân là Hội Thấp khớp học Hà Nội, tổ chức được thành lập một năm trước đó – ngày 20 tháng 7 năm 1992 (Ảnh 1).
Ảnh 1: Lễ thành lập Hội Thấp khớp học Hà Nội
Đại hội đầu tiên của VRA (Ảnh 2) được tổ chức ngày 10 tháng 10 năm 1992 tại Hà Nội, Việt Nam với sự tham dự của hơn 300 đại biểu đến từ mọi miền đất nước. Hầu hết các đại biểu tham dự Đại hội lần thứ nhất của VRA làm viêc trong lĩnh vực Cơ xương khớp, Chấn thương chỉnh hình, Vật lý trị liệu và Phục hồi chức năng. Họ cũng là những thành viên đầu tiên và chủ chốt của Hội, những người đã có nhiều đóng góp to lớn cho sự phát triển của VRA trong những năm tiếp theo.
Ảnh 2: Đại hội lần thứ nhất của Hội Thấp khớp học Việt Nam
Theo Điều lệ đầu tiên của VRA, Đại hội toàn Quốc được tổ chức 4 năm một lần và Hội nghị khoa học thường niên được tổ chức một đến hai năm một lần. VRA tổ chức Hội nghị khoa học thường niên lần thứ nhất năm 1992 (Ảnh 3), cùng với năm diễn ra Đại hội toàn Quốc lần đầu tiên của Hội. Những kỳ Đại hội gần nhất của VRA là Đại hội lần thứ VII, được tổ chức tại Hà Nội từ ngày 12 đến 14 tháng 5 năm 2017 và Đại hội lần thứ VIII, được tổ chức tại Đà Nẵng từ ngày 26 đến 27 tháng 8 năm 2022. Đại hội lần thứ VII được tổ chức đồng thời cùng Hội nghị khoa học thường niên của Hội lần thứ XIV, với hơn 700 đại biểu tham dự và hơn 100 báo cáo khoa học được trình bày bởi các báo cáo viên trong nước và các diễn giả đến từ Mỹ, Đài Loan, Philipines, Thái Lan. Hiện nay, VRA có xấp xỉ 400 thành viên chính thức và một số lớn các thành viên không chính thức. Đại hội lần thứ VIII cũng được tổ chức đồng thời cùng với Hội nghị khoa học thường niên lần thứ XIX của Hội với quy mô và nội dung tương tự như những kỳ Đại hội trước đó.
VRA là thành viên hoặc có các thành viên tham gia các Hội Thấp khớp học và tổ chức nghề nghiệp Quốc tế như Hội Thấp khớp học châu Á Thái bình dương (Asia Pacific League of Associations for Rheumatology – APLAR), Hôi Thấp khớp học thế giới (International League of Associations for Rheumatology – ILAR), Hội Thấp khớp học châu Âu (European League against Rheumatism – EULAR), Hội Thấp khớp học Hoa Kỳ (American College of Rheumatology – ACR). VRA đã tổ chức thành công một số Hội nghị Thấp khớp học Quốc tế tại Việt Nam như Đại hội lần thứ VI Hội Thấp khớp học khu vực Đông nam Á (Ảnh 4), Hội nghị Thấp khớp học Pháp – Việt.
Ảnh 3: Hội nghị khoa học thường niên lần thứ nhất của VRA
Nhiệm vụ chủ yếu của VRA là xây dựng và thúc đẩy sự phát triển của ngành Cơ Xương Khớp tại Việt Nam thông qua các hoạt động giáo dục, đào tạo, nghiên cứu, tư vấn và hỗ trợ thực hành nghề nghiệp. Từ khi được thành lập, VRA đã tích cực tiến hành các hoạt động đào tạo cho các thành viên của Hội, biên soạn các hướng dẫn chẩn đoán và điều trị các bệnh cơ xương khớp, tư vấn trong xây dựng các chính sách về Y tế, kiểm soát các hoạt động nghề nghiệp thông qua các hoạt động đào tạo, đào tạo lại và tư vấn, giám sát. Cùng với việc tổ chức các Hội nghị khoa học thường niên, Hội cũng tổ chức nhiều khóa đào tạo, hội thảo, sinh hoạt khoa học về các chủ đề và lĩnh vực khác nhau trong lĩnh vực cơ xương khớp học và các chuyên khoa có liên quan. Các hoạt động này đã tạo cơ hội cho các thành viên của Hội được liên tục cập nhật kiến thức giúp cho việc thực hành nghề nghiệp và công tác khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho người dân ngày một tốt hơn đồng thời cũng thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa của các thành viên trong Hội.
Cùng với xu thế phát triển của đất nước, quá trình công nghiệp hóa, tình trạng tăng dân số và già hóa, tỷ lệ các bệnh cơ xương khớp cũng như các bệnh lý khác ngày càng tăng, đồng thời tính chất và biểu hiện của bệnh cũng phức tạp hơn. VRA với vị trí và chức năng của mình trong hệ thống Y tế đang phải dối mặt với các thách thức mới. Sự không thống nhất trong nhận thức và sự hiểu biết về các bệnh cơ xương khớp trong giới nghề nghiệp và xã hội dẫn tới thái độ và phản ứng của xã hội, hệ thống Y tế và các nhà chuyên môn khác nhau, làm ảnh hưởng đến hiệu quả của việc chẩn đoán và điều trị cho người bệnh. Thêm vào đó, sự đa dạng của các thuốc và phương pháp điều trị được áp dụng cũng gây khó khăn cho việc kiểm soát sự thống nhất trong các hoạt động nghề nghiệp của chuyên ngành Cơ Xương khớ. Hơn nữa, các kỳ khủng hoảng kinh tế toàn cầu và trong nước cũng có ảnh hưởng đáng kể đến chi phí cho các hoạt động Y tế. Tất cả các rào cản này là những thách thức và cũng là những vấn đề ưu tiên, được đưa vào chương trình nghị sự và chiến lược hoạt động của Hội Thấp khớp học Việt Nam hiện tại và trong những năm tới.
Ảnh 4: Đại hội Thấp khớp học lần thứ VI khu vực Đông nam Á
Trong thời gian tới, Hội Thấp khớp học Việt Nam sẽ tiếp tục mở rộng và phát triển Hội thông qua các hoạt động tăng số lượng thành viên ở tất cả mọi vùng miền của đất nước, đặc biệt là các thành viên và đồng nghiệp ở các vùng sâu, vùng xa. Hội sẽ tổ chức nhiều chương trình giáo dục và đào tạo cho các thành viên của Hội. Hội cũng sẽ tiếp tục tổ chức Hội nghị khoa học thường niên và các hội thảo, hội nghị chuyên đề… nhằm trao đổi và cập nhật kinh nghiệm và kiến thức cho hội viên, nhất là các đồng nghiệp trẻ trong cả nước. Hội đã, đang và sẽ tiếp tục biên soạn và giới thiệu các hướng dẫn chẩn đoán và điều các bệnh cơ xương khớp. Hội sẽ phối hợp với các trường Đại học Y, các bệnh viện, các tổ chức xã hội, nghề nghiệp, các cá nhân để tổ chức và thực hiện các chương trình giáo dục và đào tạo hiệu quả hơn. Hội cũng hỗ trợ các hoạt động nghiên cứu khoa học trong Hội và của các thành viên của Hội.
Một trong các ưu tiên trong chương trình hoạt động của Hội là hoạt động hợp tác quốc tế về các mặt giáo dục, đào tạo và nghiên cứu khoa học. Hội đã, đang và sẽ tiếp tục gửi các thành viên, đặc biệt là các thầy thuốc và các nhà khoa học trẻ đi học tập và nghiên cứu ở nước ngoài. Đồng thời, Hội cũng tiếp nhận, hỗ trợ các đồng nghiệp từ các Hội vầ các nước bạn đến thăm quan, học tập và nghiên cứu tại Việt Nam. Hội cũng phối hợp và hợp tác với các tổ chức, các nước bạn trong các hoạt động nghiên cứu, đặc biệt các nghiên cứu trong lĩnh vực Cơ Xương Khớp và các bệnh cơ xương khớp tại Việt Nam.
Là một thành viên của Hội Thấp khớp học châu Á Thái bình dương và các Hội Thấp khớp học trên thế giới, Hội Thấp khớp học Việt Nam coi đây là cơ hội hợp tác và phát triển. Hội sẽ tích cực hợp tác với các Hội bạn nhằm giới thiệu chuyên ngành Cơ Xương Khớp và Đất nước Việt Nam với bạn bè quốc tế. Hội Thấp khớp học Việt Nam cũng ý thức được trách nhiệm và sẽ tham gia tích cực vào các chương trình hoạt động do các Hội quốc tế phát động và triển khai.
Ban chấp hành Trung ương Hội Thấp khớp học Việt Nam nhiệm kỳ hiện tại (2022-2027) có 75 thành viên, trong đó Ban lãnh đạo Hội bao gồm:
Chủ tịch danh dự GS. TS. Trần Ngọc Ân
Chủ tịch PGS. TS. Nguyễn Thị Ngọc Lan
Phó chủ tịch thường trực PGS. TS. Nguyễn Văn Hùng
Phó chủ tịch PGS. TS. Đoàn Văn Đệ
Phó chủ tich PGS. TS. Vũ Đình Hùng
Phó chủ tịch PGS. TS. Lê Anh Thư
Phó chủ tịch PGS. TS. Lê Thu Hà
Phó chủ tịch GS. TS. Võ Tam
Phó chủ tịch PGS. TS. Nguyễn Đình Khoa
Tổng thư ký TS. Phạm Hoài Thu
Phó tổng thư ký BS CKII. Huỳnh Phan Phúc Linh